Việc chọn mua ống gió tối ưu là bước đi quan trọng của mỗi Nhà đầu tư
để đảm bảo sự thành công cho bài toán đầu tư
Các hệ thống thông gió và ĐHKK đóng vai trò vô cùng quan trọng trong các công trình dân dụng và công nghiệp. Mục tiêu là tạo ra một môi trường sống và làm việc với chất lượng không khí an toàn, đảm bảo sức khỏe và mang lại sự thoải mái cho người sử dụng. Tuy nhiên, khi nói đến việc lựa chọn ống gió cho các hệ thống này, không ít nhà đầu tư vẫn gặp khó khăn trong việc đưa ra quyết định của mình. Bởi vì chỉ cần một sự lựa chọn sai lầm sẽ phải trả bằng một cái giá rất đắt, đầu tiên là việc đầu tư bị "lỗ vốn", kéo theo đó là những hệ lụy lâu dài, nghiêm trọng hơn là ảnh hưởng đến hiệu quả vận hành của toàn bộ công trình và đe dọa tính mạng người sử dụng.
Bài viết này sẽ giúp các Nhà đâu tư có cái nhìn cụ thể về tầm quan trọng của việc lựa chọn ống gió tối ưu, những yếu tố cần lưu ý khi lựa chọn, cũng như các tiêu chí đánh giá ống gió sao cho phù hợp với từng vị trí trong công trình. Từ đó, các Nhà đầu tư có thể đưa ra các quyết định đúng đắn để mang lại hiệu quả cao, giúp tối ưu chi phí xây lắp và vận hành cho các hệ thống thông gió và ĐHKK mà mình đang đầu tư
Trước tiên, cần phải hiểu vì sao hệ thống thông gió và ĐHKK lại quan trọng và bắt buộc phải đầu tư cho các công trình.
Hệ thống thông gió là một phần không thể thiếu trong các công trình vì một số lý do sau:
- Đảm bảo không khí trong sạch: Hệ thống thông gió giúp loại bỏ khí độc, bụi bẩn, và các chất ô nhiễm trong không khí, giữ cho nồng độ các chất này ở mức cho phép, an toàn cho sức khỏe. Có thể kể đến các hệ thống xử lý bụi và khí độc hại, phát sinh trong quá trình sản xuất tại nhà máy, hay hệ thống hút mùi vệ sinh, mùi bếp, hầm để xe trong các công trình dân dụng
- Đảm bảo lượng oxy cần thiết để duy trì các hoạt động lao động, sản xuất của con người, như các hệ thống cấp khí tươi
- Duy trì nhiệt độ, độ ẩm chính xác, giúp các thiết bị điện tử, quản lý làm việc trơn tru, hay bảo quản các sản phẩm để giữ được chất lượng lâu dài.
- Tạo ra môi trường làm việc tiện nghi nhiệt, giúp nâng cao hiệu quả làm việc
- Bảo vệ kết cấu công trình: Hệ thống thông gió giúp giảm thiểu tình trạng tích tụ hơi ẩm trong các khu vực như tầng hầm, phòng tắm, bếp, từ đó bảo vệ cấu trúc công trình khỏi sự phá hủy do mốc hay ăn mòn.
- Lý do đặc biệt quan trọng là giúp mở ra một lối thoát an toàn, đảm bảo tính mạng cho người sử dụng, khi trong công trình xảy ra cháy, đây chính là nhiệm vụ của các hệ thống thông gió sự cố: Tăng áp, hút khói
Và ống gió chính là xương sống của các hệ thống này. Do đó, việc lựa chọn loại ống gió nào để sử dụng cũng đóng vai trò quan trọng. Nó phản ánh xem liệu nhà đầu tư đã đưa ra quyết định chính xác hay chưa, thông qua việc xem xét chi phí xây lắp và chi phí vận hành của hệ thống khi sử dụng loại ống gió đó.
Tiếp theo, Nhà đầu tư phải nắm bắt được thị trường ống gió hiện nay, để xem mình có những sự lựa chọn nào. Hiện nay, có rất nhiều loại ống gió với mẫu mã, chất liệu, công dụng và giá cả khác nhau. Chúng được sản xuất và cung cấp bởi quá nhiều công ty. Điều này càng khiến cho việc lựa chọn ống gió tối ưu không phải là một công việc đơn giản.
Một thực tế mà nhiều nhà đầu tư phải đối mặt là sự thiếu hiểu biết về các tiêu chí lựa chọn ống gió, dẫn đến việc lựa chọn không đúng sản phẩm hoặc lựa chọn sản phẩm không phù hợp với nhu cầu thực tế của công trình. Hơn nữa, với sự đa dạng của thị trường, không phải ai cũng có đủ thông tin để đưa ra quyết định chính xác.
Ngoài ra, nhiều công trình hiện nay vẫn đang gặp phải các vấn đề liên quan đến việc lắp đặt hệ thống ống gió không đạt chuẩn, gây ra các hiện tượng tắc nghẽn không khí, ô nhiễm, thậm chí gây ảnh hưởng đến sức khỏe người sử dụng. Việc thiếu chuyên môn và kiến thức về hệ thống ống gió khiến cho nhiều dự án phải sửa chữa lại, gây tốn kém chi phí và thời gian, làm việc đầu tư “lỗ vốn”
Vậy cần phải lựa chọn như thế nào cho đúng, dưới đây là các tiêu chí quan trọng để các Nhà đầu tư chọn mua ống gió.
Chọn các thương hiệu uy tín hoặc nhà cung cấp đã có nhiều năm kinh nghiệm, đảm bảo chất lượng sản phẩm và hỗ trợ sau bán hàng tốt.
Đảm bảo sản phẩm chọn mua đáp ứng các yêu cầu, tiêu chuẩn trong xây dựng và an toàn lao động của pháp luật hiện hành.
Chọn loại ống gió được làm từ chất liệu phù hợp với mục đích sử dụng. Ví dụ, ống gió làm từ tôn mạ kẽm phù hợp với các hệ thống vận chuyển không khí thông thường, như: Cấp gió tươi, cấp hồi gió lạnh, hút mùi vệ sinh. Trong khi ống gió inox thích hợp với để vận chuyển không khí có độ ăn mòn cao: Xử lý không khí trong công trình công nghiệp, hút mùi bếp công nghiệp. Hay ống gió chống cháy (ống gió EI) được dùng trong các hệ thống thông gió sự cố: Tăng áp, hút khói.
Đánh giá khả năng chịu lực, chống gỉ và ăn mòn để đảm bảo tuổi thọ của ống gió trong điều kiện hoạt động thực tế.
Đảm bảo ống gió đáp ứng các tiêu chuẩn kỹ thuật như độ dày, khả năng cách nhiệt, cách âm và hiệu suất lưu thông không khí.
Lựa chọn kích thước và hình dạng (vuông, tròn, chữ nhật hoặc elip) phù hợp với thiết kế hệ thống thông gió và không gian lắp đặt.
Ưu tiên loại ống gió có cấu tạo đơn giản, dễ thi công, giúp tiết kiệm được thời gian và chi phí lắp đặt.
Xem mức giá của ống gió. Đừng chọn ống gió có giá rẻ bất ngờ, mà phải xem xét, tính toán chi phí đầu tư ban đầu so với các chi phí khi vận hành, bảo trì, để lựa chọn loại ống gió tối ưu.
Căn cứ vào những tiêu chí này, các Nhà đầu tư có thể lựa chọn được ống gió tối ưu cho mình. Nhưng cũng cần chú ý đến việc lựa chọn nhà cung cấp ống gió “uy tín”, việc này không hề đơn giản, vì còn phải phụ thuộc vào vốn đầu tư ban đầu.
Khi lựa chọn nhà cung cấp ống gió, nhà đầu tư cần phải cân nhắc kỹ lưỡng về chất lượng sản phẩm, dịch vụ cung cấp, và uy tín của đơn vị cung cấp. Một nhà cung cấp uy tín sẽ giúp đảm bảo được các tiêu chuẩn kỹ thuật về ống gió, từ đó giúp nhà đầu tư yên tâm về chất lượng hệ thống thông gió.
Đối với các thương hiệu lớn, về chất lượng sản phẩm là không có gì phải bàn cãi nhưng giá thành chắc chắn sẽ cao hơn các nhà cung cấp khác, sản phẩm phù hợp với những công trình cao cấp
Đối với các nhà cung cấp mới hình thành thương hiệu, có thể còn thiếu kinh nghiệm trong sản xuất nên sản phẩm của họ sẽ có chất lượng không tốt bằng và giá cả đương nhiên là thấp hơn, sản phẩm sẽ phù hợp với những công trình nhỏ.
Đối với các nhà cung cấp đang gây dựng thương hiệu thì có thể cân đối được hai yếu tố giá cả và chất lượng, sản phầm sẽ phù hợp, đáp ứng được yêu cầu với hầu hết các công trình tầm trung và nhỏ, không đòi hỏi quá cao về thẩm mỹ, đây cũng chính là các nhà cung cấp “uy tín” trong phân khúc này.
Lời khuyên: Nên tìm hiểu kỹ các thông số kỹ thuật của ống gió, tham khảo ý kiến từ các chuyên gia thiết kế và kỹ sư có nhiều năm kinh nghiệm, cũng như kiểm tra các chứng nhận, công bố sản phẩm và đánh giá từ các khách hàng trước đó.
Việc lựa chọn ống gió đúng tiêu chuẩn và chất lượng cho công trình không chỉ giúp hệ thống thông gió và ĐHKK hoạt động hiệu quả mà còn giúp tiết kiệm chi phí khi bảo trì, vận hành. Chính vì vậy, nhà đầu tư cần chú trọng trong việc tìm hiểu các yếu tố cần thiết khi lựa chọn, đồng thời phải chọn lựa đơn vị cung cấp có uy tín để đảm bảo an toàn và hiệu quả trong xây lắp và vận hành hệ thống sau này. Việc chọn mua ống gió tối ưu là bước đi cần thiết của mỗi Nhà đầu tư để đảm bảo sự thành công cho bài toán đầu tư này.
Dưới đây là các tiêu chuẩn ngành liên quan mà các Nhà đầu tư nên biết:
Nghị định, Thông tư, Quy chuẩn, tiêu chuẩn Việt Nam:
- Nghị định số 06/2021/NĐ-CP của Chính phủ: Quy định chi tiết một số nội dung về quản lý chất lượng, thi công xây dựng và bảo trì công trình xây dựng
- Thông tư số 10/2021/TT-BXD của Bộ Xây dựng: Hướng dẫn một số điều và biện pháp thi hành Nghị định số 06/2021/NĐ-CP ngày 26 tháng 01 năm 2021 và Nghị định số 44/2016/NĐ-CP ngày 15 tháng 5 năm 2016 của Chính phủ
- QCVN 06:2023/BXD: “An toàn cháy cho nhà và công trình”
- QCVN 09 2017/BXD: “Các công trình xây dựng sử dụng năng lượng hiệu quả
- TCVN 13580:2023 “Thông gió và điều hòa không khí - Yêu cầu chế tạo đường ống”
- TCVN 13581:2023 “Thông gió và điều hòa không khí - Yêu cầu lắp đặt đường ống và nghiệm thu hệ thống”
- TCVN 5687:2024 “Thông gió và điều hòa không khí - Yêu cầu thiết kế”
- TCXD 232:1999 “Hệ thống thông gió, điều hòa không khí và cấp lạnh - Chế tạo lắp đặt và nghiệm thu”
- TCVN 5639:1991 “Nghiệm thu thiết bị đã lắp đặt xong - nguyên tắc cơ bản”
Các tiêu chuẩn nước ngoài:
- SMACNA – HVAC Duct Construction Standards – Metal and Flexible, 4th Edition 2020
- ANSI/ASHRAE Standard 62.1-2010 Ventilation for Acceptable Indoor Air Quality
- BS EN 12101-6-2005 Smoke and heat control system